Nền giáo dục của Đức được xem là nền giáo dục mang tính cách thực tiễn, lý thuyết và thực hành luôn được xem quan trọng như nhau. Với nguyên tắc cơ bản là khuyến khích tiềm lực từ người học, các trường Đại học ở Đức luôn hướng tới mở rộng quan hệ hợp tác, tăng các chương trình học trao đổi, chương trình đào tạo Quốc tế nhằm tạo danh tiếng và nâng giá trị văn bằng tốt nghiệp. Nhờ đó các chương trình đào tạo ở Đức rất phong phú, đa dạng và rất cởi mở.
1. Tổng quan về nền giáo dục của CHLB Đức
CHLB Đức là quốc gia có chế độ liên bang, giáo dục nằm trong thẩm quyền của mỗi bang. Việc tổ chức ngành giáo dục có những khác biệt giữa các bang, mỗi bang có bộ luật và hệ thống giáo dục riêng. Để phối hợp các hoạt động giáo dục của các bang, và đảm bảo sự thống nhất cần thiết, Hội nghị các bộ trưởng văn hoá giáo dục (viết tắt là KMK) và Uỷ ban Liên bang – Bang đã được thành lập (năm 1949 và 1970). Ở Đức, theo quy định của hiến pháp, toàn bộ ngành giáo dục chịu sự quản lý của nhà nước. Quyền thành lập các trường tư được đảm bảo thông qua những quy định đặc biệt.
Nghĩa vụ bắt buộc đến trường (giáo dục phổ cập) được quy định trong hiến pháp các bang. Có sự phân biệt giữa nghĩa vụ học phổ thông (toàn thời gian) và nghĩa vụ học nghề. Nghĩa vụ học phổ thông kéo dài đến khi kết thúc năm thứ 9 đến trường (ở 4 bang cho đến năm thứ 10). Khái niệm „năm đến trường“ không được nhầm với khái niệm „bậc lớp“ (ví dụ: với một học sinh ở lại lớp hai lần, nghĩa vụ đi học toàn thời gian kết thúc ở cuối lớp 7 hoặc lớp 8). Nghĩa vụ học nghề là 3 năm, bắt đầu sau khi kết thúc nghĩa vụ đi học phổ thông nếu không học tiếp trung học cơ sở hay trung học phổ thông tại một trường giáo dục phổ thông.
Ngành giáo dục của một bang được quản lý trong một bộ riêng. Tên và phạm vi chức năng của mỗi bộ được từng chính phủ bang đó quy định, phổ biến là Bộ giáo dục và văn hóa. Bộ giáo dục và văn hoá là cơ quan chức trách cao nhất của một bang đối với ngành giáo dục bang đó. Bộ giáo dục và văn hoá cùng ban quản lý nhà trường chịu trách nhiệm cả việc lập kế hoạch lẫn công tác tổ chức hệ thống nhà trường. Quyền hạn và trách nhiệm ở các bang được phân chia theo cách: bộ giáo dục văn hoá chịu trách nhiệm về nhân sự đội ngũ giáo viên (GV) và nội dung công việc ở các trường, còn các địa phương chịu trách nhiệm đối với trang thiết bị, trường sở và vật chất.
Chương trình giáo dục phổ thông do các bang quyết định. Ở bình diện liên bang, hiện nay đã ban hành chuẩn giáo dục các môn học. Các bang xây dựng và ban hành chương trình khung riêng cho bang. Các trường dựa vào chương trình khung cần tự xây dựng chương trình dạy học riêng phù hợp với đặc thù của nhà trường. Điều này đòi hỏi GV phổ thông cần có năng lực phát triển chương trình dạy học chi tiết của môn học. Sách giáo khoa phổ thông do các nhà xuất bản tổ chức biên soạn dựa trên các chương trình đào tạo và sau khi được Bộ giáo dục thẩm định và cho phép thì sẽ được lưu hành trên thị trường. Các trường và GV có thể tự chọn sách giáo khoa cho mỗi môn học.
Trong lĩnh vực giáo dục đại học, các trường đại học Đức có tính tự chủ tương đối cao. Các chương trình đào tạo đại học do các trường tự xây dựng. Với sự đưa vào hệ thống kiểm định chất lượng, giáo dục đại học của Đức được kiểm định và đánh giá, bao gồm các hình thức đánh giá trong và đánh giá ngoài.
2. Cấu trúc của hệ thống giáo dục
Ở CHLB Đức, nói chung từ cuối thế kỷ 19 cho đến ngày nay tồn tại một hệ thống nhà trường phổ thông phân hóa thành 3 nhánh cơ bản ở cấp trung học cơ sở (không kể loại hình trường đặc biệt), đó là: trường Hauptschule, trường Realschule và trường Gymnasium với ba loại bằng tốt nghiệp khác nhau. Kể từ những năm 1970, ở nhiều bang còn có thêm các loại hình trường Gesamtschule, là trường tích hợp của các loại trường nêu trên. Tính liên thông giữa các loại hình trường được đảm bảo về cơ bản khi thoả mãn các điều kiện được thỏa thuận.
Các trường đào tạo nghề tồn tại trong bậc trung học (Sekundarstufe II) bên cạnh trường gymnasium (gymnasiale Oberstufe). Hệ thống giáo dục phổ thông của Đức kéo dài 13 năm học. Trong xu hướng cải cách hiện nay, đa số các bang rút ngắn còn 12 năm học.
Trong thời kỳ nước Đức chia cắt sau chiến tranh, hệ thống giáo dục của Cộng hòa dân chủ Đức được cấu trúc theo một hệ thống thống nhất. Trong đó, Trường phổ thông kỹ thuật tổng hợp 10 năm“ (POS) dành cho tất cả học sinh phổ thông (không kể trường đặc biệt, trường chuyên). Sau khi kết thúc trường học này, chỉ khoảng 10% học sinh sẽ học tiếp lên, Trường phổ thông kỹ thuật tổng hợp nâng cao (EOS) kéo dài hai năm để có thể vào thẳng đại học sau khi tốt nghiệp. Đa số học sinh còn lại sẽ vào học trong hệ thống trường nghề (2 năm), một bộ phận vào các trường chuyên nghiệp, trường nghề có bằng trung học phổ thông (3 năm). Sau khi thống nhất nước Đức năm 1990, các Bang mới cải cách hệ thống giáo dục theo mô hình chung của CHLB Đức.
Các cấp bậc đào tạo:
Mẫu giáo: Trẻ em từ 3 tuổi đến lúc tới trường có thể đi nhà trẻ cả ngày hay một phần của ngày. Việc đi nhà trẻ là tự nguyện. Ở một số bang còn có những cơ sở quá độ sang tiểu học như các lớp vỡ lòng (Vorklasse).
Trường tiểu học: Từ 6 – 9 tuổi, học sinh vào học lớp 1 tới lớp 4. Nói chung giờ học bao gồm các môn Tiếng Đức, Toán, Tìm hiểu tự nhiên, Nghệ thuật, Âm nhạc và Thể thao. Giờ học ngoại ngữ được thực hiện ở tất cả các bang ở bậc tiểu học. Sau khi tốt nghiệp lớp 4, các em sẽ được chia ra theo khả năng học tập và mong muốn của gia đình, các em sẽ học tại 1 trong 4 loại trường khác nhau: Hauptschule, Realschule, Gymnasien hoặc Gesamtschulen.
Cấp hai ( Giai đoạn 1, từ 10- 16 tuổi)
Hauptschule (học từ lớp 5-9 ở hầu hết các bang): dành cho học sinh trung bình và kém. Tại các trường này, học sinh sẽ học các môn như ở Realschulehoặc Gymnasium nhưng với tốc độ chậm hơn và kết học với các học định hướng học nghề. Nếu học xong, các em sẽ học tiếp lên các trường nghề bán thời gian (học nửa buổi, nửa buổi đi làm và thực tập tại các nhà máy, công xưởng) cho tới khi 18 tuổi
Realschule (học từ lớp 5-10 ở hầu hết các bang): dành cho học sinh khá. Sauk hi tốt nghiệp, các em có thẻ chọn lên học trường nghề bán thời gian hoặc trường nghề cao cấp. Nếu các bạn có điểm số cao tại tại trường Realschule, sẽ được chuyển qua hạng Gymnasien sau khi tốt nghiệp
Gymnasien: dành cho học sinh khá giỏi. Sau khi tốt nghiệp Gymnasien, học sinh sẽ nhận được bằng tú tài (Abitur) và chuẩn bị cho học sinh lên học Đại học hoặc Đai học ứng dụng (vừa học, vừa làm). Các mô học có thể tùy từng trường nhưng nói chung bao gồm các môn: Tiếng, Đức, Toán, Khoa học Máy tính, Lý, Hóa, Sinh, Địa lý, Nghệ thuật, Âm nhạc, Lịch sử, …Học sinh tốt nghiệp lớp 12 ở một số bang đã có thể lấy “Abi”, nhưng thông thường các bang khác vẫn yêu cầu phải hết lớp 13.
Ngoài ra, còn có 1 loại trường nữa, đó là Gesamtschulen, trường tổng hợp. Trường này mỗi bang chỉ có 1 trường duy nhất. Trường có cả dạng Hauptschule và Realschule. Trường nhận tất cả hcoj sinh ở mọi trình độ từ lớp 5 tới lớp 10. Nếu học sinh tốt nghiệp trường tổng hợp ở lớp 9 thì sẽ nhận bằng Hauptschule. Nếu tốt nghiệp lớp 10, thì sẽ nhận bằng Realschule.
Berufsschule. Ngoài hệ thống giáo dục bình thường, còn một hệ thống trường nằm trên Hauptschule và Realschule gọi là Berufsschule. Trường này học sinh đi học nửa ngày và nửa ngày thực tập tại công ty hoặc công xưởng của nhà máy. Sau khi hoàn thành chương trình, học viên sẽ được cấp một bằng chuyên sâu về lãnh vực buôn bán hoặc kỹ thuật đó. Trường này khác với các trường được nói tới ở trên vì trường này không nằm trong sự kiểm soát của địa phương mà chịu sự giám sát của chính phủ, các công ty/ tập đoàn và công đoàn.
Cho dù học sinh có học trường nào đi chăng nữa thì cũng phải hoàn thành 9 năm học phổ thông. Nếu bạn du học Đức, bạn cũng phải tuân theo qui chế này. Lấy ví dụ, nếu một học sinh không học Gymnasien nữa thì bắt buộc phải học tại các trường Hauptschule hoặc Realschule cho tới khi hoàn thành 9 năm học mới thôi. Học sinh cũng bắt buộc phải học ít nhất 1 ngoại ngữ trong vòng 5 năm. Biết 1 ngoại ngữ là điều bắt buộc khi học Gymnasien.
Trung học phổ thông hoặc trung học chuyên nghiệp (Từ 15 hoặc 16 -18 tuổi)
Học sinh sau khi đã được phân cấp ở phía dưới, dựa vào kết quả học tập, các bạn đi học sẽ tiếp tục chương trình của mình. Cụ thể
Đi học đại học: tốt nghiệp các trường Gymnasien hoặc các bạn học trường cấp 3 tổng hợp (Gesamtschulen)
Đi học nghề: các bạn tốt nghiệp Realschule, cấp 3 tổng hợp hoặc các bạn Hauptschule có điểm giỏi
Vào làm việc tại nhà máy: học sinh có ít lựa chọn nhất. Thường bắt buộc phải làm nửa ngày ở nhà máy, nửa ngày đi học trên lớp cho tới khi đủ 18 tuổi
Đối với các bạn đang học nghề, muốn lên học Đại học, có thể đầu tư để học thêm và lấy bằng tú tài, sau đó sẽ có thể lên học Đại học như bình thường. Tuy nhiên, hệ thống giáo dục Đức sẽ chỉ dựa trên học bạ để xét vào trường đại học. Chính vì, vậy bạn phải có điểm cao thì mới được nhận vào các trường đại học tại Đức.
Đại học và sau Đại học
Hệ thống giáo dục của Đức được xây dựng theo hai loại hình đào tạo, đó là hệ thống các trường đại học tổng hợp và các trường đại học khoa học ứng dụng.
- Hệ thống các trường đại học tổng hợp (Uni, TU)
Với các chương trình giảng dạy luôn phải được tuân thủ và định hướng theo nghiên cứu dựa trên nguyên tắc duy nhất: “Sự thống nhất trong nghiên cứu và giảng dạy”. Hệ thống những trường này luôn đóng vai trò nòng cốt trong giáo dục đại học Đức từ trước đến nay.
- Hệ thống các trường đại học khoa học ứng dụng (FH)
Chương trình đào tạo định hướng thực tiễn, chuyên sâu vào kiến thức nghề nghiệp và kỹ năng chuyên môn. Các chương trình đào tạo luôn được tổ chức, sắp xếp chặt chẽ nên thời gian học tập được rút ngắn hơn (thông thường là 4 năm). Đặc biệt sinh viên của các trường thực hành có thể dễ dàng xin việc sau khi tốt nghiệp vì phần lớn các doanh nghiệp Đức cũng như doanh nghiệp Việt Nam đều muốn tuyển dụng những nhân viên có tay nghề và thực hành giỏi.
3. Chi phí và kỳ nhập học(đơn vị tiền: Eur- €)
Khóa học | Học phí | Kỳ nhập học | Phí sinh hoạt/ tháng | Chi phí khác |
Đại học | 193,50 € – 203,50 €/ kỳ
|
– Mùa hè: tháng 4
– Mùa đông: tháng 10 |
Khoảng 700 €/ tháng, gồm: tiền tiền ăn, báo hiểm y tế và nhà ở
– 200 – 400 € (Nhà thuê ở ghép), – 300- 500€ (thuê một căn hộ chung thiêt bị), – 400€ trở lên (một mình một phòng riêng) |
– Sách: 50 €/kỳ
– Phí đăng ký: 50 € |
Sau đại học | khoảng 230 €/kỳ | – Tháng 10 |
Chú ý: Sau năm học 2006-2007, các trường đại học tại Đức đã tiến hành thu học phí đối với bậc đại học, hiện tại, có 4 trên tổng số 16 bang tiến hành thu một mức học phí khoảng 200 Euro cho mỗi học kì. 4 bang đó là: Baden-Württemberg, Bavaria, Hamburg, và Lower Saxony. Các bang còn lại không thu học phí mà chỉ yêu cầu một khoản tiền nhỏ (tầm 50-100 euro) như là một khoản đóng góp.
4. Hệ thống bằng cấp
Hệ thống bằng cấp tại Đức cũng giống như các quốc gia khác tại Châu Âu được chia thành 2 cấp: Cử nhân (Bachelor) (thời gian học từ 6 – 8 học kỳ) và Thạc sỹ (Master) với thời gian học từ 2 đến 4 học kỳ. Cả hai cấp độ này đều có yêu cầu sinh viên phải vượt qua các kỳ thi được quy định trong chương trình học hoàn thành đề tài tốt nghiệp. Đối với một số ngành như y khoa, bác sỹ, luật và dược sỹ cũng như giáo viên các sinh viên sẽ phải vượt qua các kỳ thi quốc gia khác được quy định trước khi tốt nghiệp, Sau khi hoàn thành chương trình Thạc sỹ, sinh viên có thể tiếp tục theo đuổi chương trình tiến sỹ (Doktor). Bằng tốt nghiệp tại các trường đại học Đức được công nhận trên toàn thế giới. Chất lượng giáo dục của các trường đại học Đức được đánh giá rất cao trên thế giới.
Sự khác biệt trong hệ thống giáo dục có thể được thấy giữa các trường đại học công và tư. Trường đại học công được tài trợ bởi chính phủ và không tính học phí hay chỉ là khoản tiền nhỏ . Các trường đại học tư nhân ngược lại hoạt động dựa trên nguồn tài chính là học phí của sinh viên và do đó mức học phí đối với sinh viên là khá cao. Ở Đức có thể thấy số lượng các trường đại học công nhiều hơn nhiều so với số lượng đại học tư. Luật pháp Đức quy định rằng giáo dục cần được cung cấp cho tất cả mọi người và tất cả mọi người đều có quyền được tiếp nhận sự giáo dục đầy đủ . Vì vậy, trong nhiều lĩnh vực học phí đã được bãi bỏ và trong các lĩnh vực khác thì mức học phí là rất nhỏ.
5. Các ưu điểm của giáo dục Đức
Hệ thống giáo dục Đức là một hệ thống mở, học sinh có thể thay đổi loại hinh đào tạo, chương trình học theo khả năng của bản thân. Các học sinh có thể tham gia chương trình đào tạo kép, kết hợp giữa học kiến thức và làm việc thực hành tại các doanh nghiệp. Sau khi tốt nghiệp, sinh viên sẽ được trang bị đầy đủ cả kiển thức lẫn kỹ năng để tìm được một công việc tốt trong tương lai.
Các học sinh ở các trường trung học sau khi tham gia học các trường học nghề có thể học tại các lớp học bổ túc để lấy bằng tốt nghiệp phổ thông, nếu có bằng tốt nghiệp phổ thông thì có thể nộp đơn vào bất kì trường đại học hoặc cao đẳng nào.
Hầu hết các trường học tại Đức đều miễn học phí cho học sinh, sinh viên, chỉ có một vài trường bắt đầu thu phí từ năm 2004 để nâng cao chất lượng cạnh tranh giữa các trường.
Đối với Đức, nhắc đến thế mạnh đào tạo, các học sinh Việt Nam đều hướng tới chương trình đào tạo vừa học vừa làm ngành điều dưỡng hay ngành nhà hàng khách sạn. Chương trình đào tạo thường là 70% lý thuyết, 30% thực hành. Các du học sinh không mất học phí, sau khi học lý thuyết sẽ được làm việc thực hành và nhận lương trực tiếp. Chính vì vậy đây là thị trường du học được nhiều học sinh hướng tới, phù hợp với điều kiện kinh tế của đa phần các gia đình Việt.